ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH NHA CHU LÊN SỨC KHỎE TOÀN THÂN

Bệnh nha chu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Nhiễm trùng nha chu là một trong nhiều yếu tố có nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh toàn thân vì sự hiện diện của các vi khuẩn gây bệnh nha chu và các sản phẩm chuyển hóa của chúng có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn.

Bệnh nha chu (ảnh st internet)

Bệnh nha chu (ảnh st internet)

1. Bệnh tiểu đường

– Bệnh tiểu đường và viêm nha chu là những bệnh mạn tính phức tạp có mối quan hệ lẫn nhau. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã chính thức công nhận rằng bệnh nha chu là phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường và khai thác tiền sử cũng như bệnh nha chu hiện tại là cần thiết ở bệnh nhân đái tháo đường.

 – Bệnh nha chu có thể được coi là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Bệnh nha chu có thể khiến những người mắc bệnh tiểu đường khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn. Ở những bệnh nhân đái tháo đường có viêm nha chu, các liệu pháp điều trị nha chu có thể tác động có ích trong việc kiểm soát đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường sau khi kiểm soát đường huyết tốt có thể được điều trị các viêm nhiễm trong miệng như người bình thường, tuy nhiên cần sử dụng thêm kháng sinh dự phòng.

2. Bệnh tim mạch/ xơ vữa động mạch

– Viêm nha chu và chứng xơ vữa động mạch có các yếu tố sinh lý phức tạp, kết hợp di truyền và ảnh hưởng của môi trường. Nhiễm trùng nha chu có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát hoặc tiến triển của chứng xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch.

– Do vậy, việc điều trị thích hợp và kiểm soát nha chu tốt có thể có tác động tích cực đến sự ổn định, giảm mức độ nghiêm trọng các bệnh tim mạch. Người bệnh tim mạch cần được khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ làm gia tăng tình trạng bệnh tim mạch.

3. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mãn tính không rõ nguyên nhân và có cơ chế bệnh sinh đa yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến khớp và các mô khác. Một số nghiên cứu đã gợi ý mối liên hệ giữa viêm nha chu và viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp có thể có tác động tiêu cực đến tình trạng nha chu và ngược lại. Người bệnh viêm nha chu có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những người không bị viêm nha chu. Vì vậy, bệnh nha chu được coi như một yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp.

4. Ảnh hưởng lên thai nghén

 Ở phụ nữ có thai, tỷ lệ viêm nha chu tăng do nồng độ oestradiol trong rãnh lợi tăng dẫn đến sự tăng tích tụ nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Phụ nữ mang thai bị bệnh nha chu mà không được điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ sinh non, hạn chế sự phát triển của thai nhi, trẻ nhẹ cân, tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân có thể do  nhiễm khuẩn nha chu làm tăng các hoạt chất gây viêm trong tuần hoàn và trong nhau thai. Mặt khác, các vi khuẩn gây bệnh nha chu của mẹ có thể đi vào nhau thai và gây đáp ứng viêm và miễn dịch của thai nhi.

Vì thế, để hạn chế những nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai, phụ nữ cần được chăm sóc răng miệng lúc đầu thai kỳ, khi hệ sinh thái vi khuẩn trong nhau thai bắt đầu hình thành và trong suốt thời gian mang thai.  

5. Viêm nha chu có liên quan với một số bệnh khác như:

– Nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi

– Ung thư miệng và đại trực tràng.

– Bệnh thận mãn tính.

– Bệnh Alzheimer

Mối liên quan giữa bệnh nha chu và các bệnh toàn thân đã được xác định rõ ràng nên việc điều trị và kiểm soát tốt bệnh nha chu luôn có lợi cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. Từ đó có thể tác động tích cực làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và chi phí cho chăm sóc sức khỏe toàn thân. Người bệnh có mắc các bệnh toàn thân như đái thảo đường, tim mạch, cao huyết áp, bệnh phổi mãn tính… cần được khám răng miệng định kỳ để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *