Viêm nha chu là một bệnh viêm nhiễm mãn tính dẫn tới sự phá hủy dần các bộ phận nâng đỡ răng (bao gồm lợi, dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xi măng chân răng). Bệnh tiến triển theo giai đoạn và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến mất răng, ảnh hưởng lớn đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân của bệnh nha chu là gì?
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do các vi khuẩn gây bệnh tích tụ trên mảng bám răng. Ngoài ra còn do một số các yếu tố thuận lợi khác như răng chen chúc, phục hình răng sai quy cách, giải phẫu chân răng bất thường…Các bệnh toàn thân làm giảm sức đề kháng của vùng quanh răng như chức năng miễn dịch suy giảm (HIV, ung thư máu), béo phì, tiểu đường, thay đổi nội tiết tố…cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm nha chu. Các yếu tố môi trường như tình trạng hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, stress…
Triệu chứng nào hay gặp ở bệnh nha chu?
– Hơi thở hôi
– Đau: Có thể đau âm ỉ khu trú do ảnh hưởng của việc giắt thức ăn và đau cấp gặp trong áp xe quanh răng
– Lợi: Sưng nề, đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào, tiết nhiều dịch ở túi lợi, có thể có mủ
– Tụt lợi: khi mô lợi viêm làm thoái hóa mô liên kết và là hậu quả của tiêu xương, sự phá hủy dây chằng quanh răng
– Lung lay răng, nếu bệnh nặng có thể dẫn đến mất răng
– Ê buốt răng
– Túi quanh răng
– Mất bám dính quanh răng: hậu quả của tiêu xương và dây chằng quanh răng
– Phim Xquang: có hình ảnh tiêu xương ổ răng
Điều trị bệnh nha chu gồm những biện pháp nào?
Kiểm soát mảng bám răng và các yếu tố nguy cơ là mục tiêu điều trị bệnh viêm nha chu. Bao gồm các biện pháp sau:
* Các biện pháp điều trị tại chỗ
– Loại bỏ các kích thích tại chỗ: Lấy sạch cao răng, mảng bám, làm nhẵn bề mặt chân răng và loại bỏ các yếu tố nguy cơ .
– Chống viêm: Dùng thuốc bôi tại chỗ
– Kích thích và hoạt hóa hệ thống tuần hoàn mô quanh răng
* Các biện pháp điều trị toàn thân
– Kháng sinh đường toàn thân trong một số trường hợp như viêm cấp hoặc bệnh kéo dài dai dẳng.
– Tăng sức đề kháng cơ thể
* Phẫu thuật:
– Phẫu thuật vạt: Khi tình trạng bệnh viêm nha chu nặng, với độ sâu túi quanh răng ≥ 5mm. Mục đích của phẫu thuật là tiếp cận bề mặt chân răng trong túi quanh răng, loại bỏ hoặc làm giảm độ sâu túi quanh răng.
– Phẫu thuật tái tạo mô nha chu: nhằm tái tạo lại một phần mô mềm và xương bị phá hủy sau khi tình trạng viêm đã ổn định.
Phòng ngừa thế nào để có hiệu quả?
– Tăng cường vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày
– Nên dùng thêm chỉ tơ nha khoa và thiết bị tăm nước hàng ngày để làm sạch vùng kẽ răng, những nơi mà bàn chải không chạm tới.
– Khám răng miệng định kì 3- 6 tháng/ 1 lần để được phát hiện và điều trị sớm.
Viêm nha chu là một bệnh phổ biến nhưng có thể phòng ngừa được. Nếu bạn đang gặp một trong số những dấu hiệu bệnh trên hãy đến khám tại Nha Khoa LATO. Phòng khám chúng tôi có những chuyên gia đầu ngành về nha chu sẽ chăm sóc và điều trị tốt nhất cho sức khỏe răng miệng của bạn.