Răng mọc lệch, răng khấp khểnh, răng vẩu…không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của hàm răng, khó khăn cho vệ sinh răng miệng, mà còn khiến một số người mất tự tin khi giao tiếp… Để điều chỉnh các lệch lạc răng này, có nhiều phương pháp nắn chỉnh răng có thể được lựa chọn, tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của lệch lạc, độ tuổi, nhu cầu của bệnh nhân…
1. Nắn chỉnh răng sử dụng khí cụ cố định – mắc cài, được gắn chặt lên bề mặt răng trong suốt quá trình điều trị.
Hiện nay, có rất nhiều loại mắc cài được sử dụng trong nắn chỉnh răng, được sản xuất bởi các hãng khác nhau. Tuy nhiên, có thể phân nhóm dựa trên những đặc điểm sau đây:
* Dựa trên vật liệu chế tạo nên mắc cài
– Mắc cài kim loại. Ưu điểm: đơn giản, mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp, ít khả năng bị biến dạng trong quá trình sử dụng. Nhược điểm: thẩm mỹ không cao.
– Mắc cài sứ. Ưu điểm: tính thẩm mỹ cao, sử dụng đơn giản, di chuyển răng hiệu quả. Nhược điểm: chi phí cao hơn, có nguy cơ bị vỡ trong quá trình ăn nhai, sử dụng.
* Dựa trên cơ chế hoạt động của mắc cài.
– Mắc cài truyền thống, sử dụng các loại chun buộc, chỉ thép giữ dây trong rãnh mắc cài. Ưu điểm: đơn giản, chi phí thấp. Nhược điểm: khó vệ sinh răng miệng, có thể bị tuột hoặc đổi màu chun trong quá trình sử dụng.
– Mắc cài tự buộc: có nắp đóng hoặc clip tự giữ dây. Ưu điểm: đơn giản, dễ sử dụng; hiệu quả dịch chuyển răng cao, ít gây cản trở vệ sinh răng miệng hơn, thường được thiết kế nhỏ gọn, ít gây khó chịu cho bệnh nhân hơn. Nhược điểm: một số loại đòi hỏi cần vệ sinh răng miệng tốt hơn, tránh gây kẹt thức ăn, cao răng… gây khó khăn trong việc đóng mở nắp mắc cài; chi phí cao hơn.
2. Nắn chỉnh răng sử dụng hệ thống khay cá nhân trong suốt
– Sử dụng các khay tháo lắp, được thiết kế riêng biệt cho từng bệnh nhân. Ưu điểm: là khay tháo lắp trong quá trình sử dụng nên không ảnh hưởng đến ăn nhai, vệ sinh răng miệng; ít gây khó chịu do cộm, vướng cho bệnh nhân; và đảm bảo tính thẩm mỹ rất cao trong quá trình sử dụng. Nhược điểm: chi phí cao.
3. Nắn chỉnh răng sử dụng khí cụ chức năng
Được sử dụng với mục đích thay đổi sự tăng trưởng xương của bệnh nhân, có thể dưới dạng tháo lắp và hoặc cố định.
4. Nắn chỉnh răng kết hợp phẫu thuật
Trong một số trường hợp có bất thường về tình trạng xương, ví dụ: bất cân xứng xương, quá phát hoặc kém phát triển xương hàm nặng, chênh lệch tương quan xương giữa 2 hàm lớn… ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chức năng… có thể cần phối hợp giữa điều trị nắn chỉnh răng và phẫu thuật xương hàm.