PHANH MÔI, PHANH LƯỠI- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Phanh môi, má, lưỡi là gì?

Phanh môi, má, lưỡi là những nếp gấp niêm mạc liên kết môi, má, lưỡi với niêm mạc miệng, lợi, và màng xương ở dưới.

Chức năng của phanh môi, má, lưỡi

Chức năng của các phanh là để đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa môi, má, lưỡi với các tổ chức liên quan. Khi chúng ta há miệng có thể dễ dàng quan sát thấy phanh môi và phanh lưỡi. Hai loại phanh này hay gặp những bất thường và cần phải can thiệp phẫu thuật nhiều nhất. Với phanh má thì cần phải vén má lên mới thấy được và cũng hiếm khi gây ra các vấn đề về chức năng và thẩm mĩ nên ít được chỉ định phẫu thuật.

Phanh môi bám thấp

Bình thường phanh môi bám vào gianh giới giữa phần lợi di động và cố định. Tuy nhiên nhiều trường hợp phanh môi bám đến sát nhú lợi hoặc vượt qua nhú lợi vào mặt trong của xương hàm. Trường hợp này được gọi là phanh môi bám thấp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề như:

– Khó khăn khi bú mẹ hoặc bú bình với trẻ sơ sinh

– Mất nhú lợi, tụt lợi do sự co kéo quá mức của phanh môi

– Khe thưa,

– Lệch lạc răng,

– Gây chậm liền thương khi bị chấn thương

Phanh lưỡi ngắn

Bình thường lưỡi có thể đưa ra phía trước và hai bên, đầu lưỡi có thể đưa lên vòm miệng. Tuy nhiên, khi lưỡi bị hạn chế vận động, đầu lưỡi không thể đưa lên vòm miệng thì được gọi là dính phanh lưỡi hay phanh lưỡi ngắn. Đây là một dị tật bẩm sinh mà bất kì ai cũng có thể mắc phải.

Dấu hiệu nhận biết

– Khó bú hoặc khi bú phát ra âm thanh ở trẻ sơ sinh

– Đầu lưỡi hình trái tim khi đưa lưỡi ra phía trước

– Phát âm không chuẩn

– Có thể bị xoay các răng cửa giữa hàm dưới

Khi nào cần cắt phanh lưỡi

Trẻ em được phát hiện dính phanh lưỡi nên được can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt để thuận lợi cho trẻ bú hoặc phát âm.

Phương pháp điều trị phanh môi, phanh lưỡi bám bất thường

Can thiệp phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để giúp môi, má, lưỡi cử động bình thường. Các phanh này có thể được cắt bằng lưỡi dao mổ hoặc phẫu thuật bằng tia laser dưới tiêm tê hoặc gây mê tuỳ theo độ tuổi và sự hợp tác của bệnh nhân. Nói chung đây là phẫu thuật đơn giản, không nguy hiểm và hầu như không đau. Bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật.

Chăm sóc sau phẫu thuật

– Không nên sờ tay vào vị trí phẫu thuật vì có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng

– Nên ăn mềm và uống nhiều nước. Không ăn đồ ăn nóng, cay ngày đầu tiên sau phẫu thuật.

– Duy trì vệ sinh răng miệng, chỗ phẫu thuật vệ sinh nhẹ nhàng và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

– Tập vận động môi, lưỡi theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái phát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *